Liên minh Tống–Kim mong manh Chiến tranh Kim – Tống

Nhà Tống và nhà Kim là đồng minh chống lại nhà Liêu. Tranh vẽ những người thợ săn Khiết Đan, từ Bảo tàng Cố cung Quốc gia.

Người Nữ Chân là một nhóm người nói tiếng Tungus, thuộc các bộ lạc bán nông nghiệp, sinh sống tại khu vực đông bắc Á, mà ngày nay là một phần của Đông Bắc Trung Quốc. Nhiều bộ lạc Nữ Chân là chư hầu của nhà Liêu (907–1125), một đế quốc do người Khiết Đan du mục cai trị, bao gồm hầu hết Mông Cổ hiện đại, một phần Bắc Trung Quốc, Đông Bắc Trung Quốc, bắc Triều Tiên và một phần Viễn Đông Nga.[1] Xuôi xuống phía nam nhà Liêu là Đế quốc Tống (960–1276) của người Hán.[2] Nhà Tống và nhà Liêu vốn đã ở trong trạng thái hòa bình, nhưng kể từ sau thất bại quân sự trước nhà Liêu vào năm 1005, nhà Tống phải trả cho nước láng giềng phương bắc khoản bồi thường hàng năm là 20 vạn tấm lụa và 10 vạn lượng bạc.[3] Trước khi người Nữ Chân lật đổ người Khiết Đan, phụ nữ đã có chồng và các cô gái Nữ Chân thường xuyên bị các sứ thần Khiết Đan hãm hiếp như một phong tục, điều này khiến người Nữ Chân vô cùng căm thù người Khiết Đan.[4] Sau này, các công chúa nhà Tống đã phải tự sát để tránh bị hiếp dâm hoặc bị hành quyết khi kháng cự lại quân Kim.[5]

Năm 1114,[6] thủ lĩnh Hoàn Nhan A Cốt Đả (1068–1123) thống nhất các bộ lạc Nữ Chân khác nhau và lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại nhà Liêu. Năm 1115, ông tự xưng là hoàng đế nhà Kim (1115–1234), tức triều đại "vàng".[7] Được một người Liêu đào tẩu báo tin về cuộc nổi dậy thành công của người Nữ Chân, Tống Huy Tông (cai trị 1100–1127) và chỉ huy quân sự tối cao của ông là thái giám Đồng Quán đánh giá sự yếu kém của nhà Liêu là cơ hội để lấy lại Yên Vân thập lục châu, một chuỗi các thành phố và cửa ải bị nhà Liêu thôn tính từ Sa Đà Hậu Tấn vào năm 938 và là khu vực mà nhà Tống nhiều lần cố gắng tái chiếm nhưng đều không thành công.[8] Do đó, nhà Tống quyết định tìm kiếm một liên minh với nhà Kim để chống lại kẻ thù chung là nhà Liêu.[9]

Thủ[liên kết hỏng] lĩnh Nữ Chân Hoàn Nhan A Cốt Đả, người vào năm 1115 trở thành hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Kim

Vì các tuyến đường bộ giữa nhà Tống và nhà Kim đều do nhà Liêu kiểm soát, các cuộc trao đổi ngoại giao chỉ có thể diễn ra bằng cách đi qua biển Bột Hải.[10] Việc đàm phán xây dựng liên minh được bắt đầu bí mật với lý do là nhà Tống muốn mua ngựa của người Khiết Đan. Phái đoàn ngoại giao nhà Tống đến triều đình nhà Kim để diện kiến A Cốt Đả vào năm 1118, trong khi các sứ thần Nữ Chân tới kinh đô Khai Phong của nhà Tống vào năm sau.[9] Lúc đầu, hai bên thỏa thuận rằng họ sẽ được giữ bất cứ vùng lãnh thổ nước Liêu nào mà mình giành được khi chiến đấu.[9] Năm 1120, A Cốt Đả đồng ý nhượng lại Yên Vân thập lục châu cho nhà Tống với điều kiện là họ được tiếp nhận các khoản cống phẩm hàng năm mà nhà Tống nạp cho nhà Liêu.[11] Tuy nhiên, vào cuối năm 1120, người Nữ Chân đã chiếm được Thượng Kinh của nhà Liêu[lower-alpha 2] và chỉ trả cho nhà Tống vài vùng thuộc Yên Vân thập lục châu.[11] Trong những vùng còn lại, nhà Kim giữ Tây Kinh Đại Đồng ở cuối phía tây Yên Vân thập lục châu.[11] Hai bên đồng ý với nhau rằng nhà Kim sẽ tấn công Trung Kinh, trong khi nhà Tống sẽ chiếm Nam Kinh, tức Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay).

Chiến dịch liên minh tổng tấn công nhà Liêu được lên kế hoạch vào năm 1121 nhưng rồi phải dời lại vào năm 1122. Ngày 23 tháng 1 năm 1122, nhà Kim chiếm được Trung Kinh như đã giao hẹn.[12] Nhà Tống thì lại trì hoãn tham chiến vì phải chuyển binh lực sang đối đầu với Tây Hạ ở phía tây bắc và đàn áp khởi nghĩa Phương Lạp ở phía nam.[13] Tháng 5 năm 1122, quân Tống dưới sự chỉ huy của Đồng Quán cuối cũng tiến đánh Yên Kinh, các lực lượng nhỏ của quân Liêu vốn đã suy yếu vẫn dễ dàng đẩy lùi những kẻ xâm lược.[14] Mùa thu năm đó, quân Tống lại tiếp tục thất bại trong một cuộc tấn công khác.[14] Cả hai lần, họ đều buộc phải rút lui về Khai Phong.[15] Sau đợt tiến công đầu tiên, A Cốt Đả thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận liên minh và chỉ hứa giao Yên Kinh cùng sáu châu khác cho nhà Tống.[16] Đầu năm 1123, người Nữ Chân dễ dàng chiếm được Yên Kinh. Họ tiến hành cướp bóc và bắt dân trong thành làm nô lệ.[16]

Sự sụp đổ chóng vánh của nhà Liêu dẫn đến nhiều hơn các cuộc đàm phán giữa hai phe Tống và Kim. Thành công về mặt quân sự và quyền kiểm soát Yên Vân thập lục châu mang lại cho người Nữ Chân lợi thế trên bàn đàm phán.[16] A Cốt Đả ngày càng thất vọng khi nhận ra rằng nhà Tống vẫn có ý định chiếm hầu hết các châu quận, mặc cho những thất bại quân sự của họ.[17] Mùa xuân năm 1123, hai bên cuối cùng đã cùng nhau thiết lập các điều khoản trong bản hiệp ước Tống–Kim đầu tiên.[18] Chỉ có bảy châu (bao gồm cả Yên Kinh) được trả lại cho nhà Tống, và nhà Tống sẽ phải cống nạp hàng năm 30 vạn tấm lụa và 20 vạn lượng bạc cho nhà Kim, cũng như phải chịu khoản thanh toán một lần 100 vạn quan tiền đồng để bồi thường cho người Nữ Chân doanh thu thuế mà họ đáng lẽ sẽ kiếm được nếu không trả lại các châu.[19] Tháng 5 năm 1123, Đồng Quán cùng quân Tống tiến vào Yên Kinh vốn đã bị cướp bóc tan hoang.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Kim – Tống http://xh.5156edu.com/html5/53525.html //doi.org/10.1017%2FS0041977X02000320 //doi.org/10.2307%2F2646446 //www.jstor.org/stable/2646446 http://www.npm.gov.tw/hotnews/9910seminar/download... https://books.google.com/books?id=3SmKDwAAQBAJ&q=s... https://books.google.com/books?id=6D4attcqvOQC&q=5... https://books.google.com/books?id=6XfRAgAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=IdYGiGan4o8C&pg=... https://books.google.com/books?id=YQMUNgAACAAJ